Những bài học đáng nhớ này chính là những hành trang để từng bước đi của mình vững vàng hơn.

  • Câu chuyện thứ nhất:

Ngày đó mình còn chân ướt chân ráo vào nghề. Khách hàng đầu tiên của mình là một cặp CDCR  nghe bảo  là đại gia, lại có mối quan hệ thân thân với sếp nên mình chăm sóc khá kỹ. Mình theo sát cặp CDCR này suốt hơn 2 tháng: nào là đo đạc nhà cửa, lên ý tưởng cho ngày cưới, đi khảo sát, làm thiệp mẫu, đi thương lượng với đối tác…Bất kể là ngày cuối tuần hay ngoài giờ làm việc (một phần cùng do CDCR hay đi công tác nước ngoài nên tranh thủ gặp được lúc nào là gặp). Mình và mọi người gần như tin chắc đây là khách của mình rồi nên đưa ra nhiều ý tưởng, bản vẽ chi tiết, bản phác thảo 3D, v.v… trong khi mọi sự ràng buộc giữa hai bên chỉ là… niềm tin. Đến khi không thoả thuận được về phần chi phí thì CDCR lại quyết định chọn dịch vụ nơi khác với trọn bộ ý tưởng của mình mà không cho  mình cơ hội cân đối lại phần ngân sách đó. Thế là mất toi công sức mấy tháng trời L.

  • Bài học thứ nhất:

Đừng vội ỷ y. Khi nào chưa ký hợp đồng chính thức thì bạn cũng chỉ đang giữ 50% cơ hội thôi (ngang bằng với những người khác cùng lĩnh vực). Chăm sóc khách hàng nhiệt tâm không đồng nghĩa với việc đưa hết cho họ số bài mình đang giữ trong tay. Vì đặc thù của nghề WP là phải gắn bó với khách hàng suốt một thời gian khá dài nên thẳng thắn và thành thật chia sẻ với khách hàng những khó khăn, mong muốn của mình cũng là cách tạo sự thoải mái cho cả hai bên. Về phía CDCR, việc chia sẻ chính xác khả năng tài chính và ngân sách đám cưới là điều rất cần thiết. Nhờ đó mà WP có thể cân đối giữa nhu cầu và khả năng của CDCR để có được một kế hoạch phù hợp, tiết kiệm thời gian của đôi bên.

  • Câu chuyện thứ hai:

Cặp CDCR này đến gặp mình với yêu cầu: chuẩn bị mâm quả Gia Tiên: Quả phải còn mới, khăn phủ bên trên phải thay bằng loại voan đỏ, đáy quả phải lót giấy lụa đỏ, cặp rượu phải gói bằng giấy Song Hỷ vì hai gia đình vô cùng kỹ lưỡng. Biết là khách hàng khó tính nên mình đã đặc biệt dặn dò đối tác làm mâm quả phải cẩn thận, mọi thứ phải tươi mới, tự tay mình chuẩn bị giấy gói, giấy lót, vải bọc. Nhà gái ở tận Tiền Giang nên từ 5h sáng bên mình phải giao mâm quả cho nhà trai ở quận 2. Nhà xa, đi từ lúc sáng sớm, lại là con gái nên mình cũng không thể đến tận nơi giao quả cho CDCR được. Chỉ có anh chị làm mâm quả đi giao quả cho khách. 6h30 sáng mình nhận được điện thoại của CR vì: “ Mâm đến trễ, không đủ lượng, không đúng yêu cầu,…!@$#%$^%&^”. Tá hỏa, mình gọi ngay cho anh chị giao quả thì được biết: “ 5h anh chị đã có mặt ở nhà CR, lúc này CR còn chưa dậy, gia đình chưa có ai, anh chị còn phải chờ. Mâm quả anh chỉ bảo đảm đúng số lượng, chỉ có vấn đề ở chỗ mâm xôi gấc. Thông thường quả xôi gấc có 6 trái tim xôi gấc nhưng hôm đó có mẫu xôi gấc mới là hình một trái tim dựng đứng, hình CDCR kẹp giữa. Số lượng xôi của hai loại là như nhau. Nghĩ rằng đây là khách khó tính, mà mọi thứ đều là mới nên muốn dùng thứ tốt nhất cho khách”. Mình gọi cho CR, xin 15’ để bên mình về đổi lại xôi vì cũng còn khá lâu nữa mới xuất phát nhưng không được đồng ý. Kết quả là sau ngày cưới mình nhận được điện thoại than phiền và…@$#^%$&^(*&)(*_)_(_)(^%#@!@ không thương tiếc của CR. Buồn đến nỗi hoang mang và muốn bỏ nghề L.

  • Bài học thứ hai:

Nên hỏi trước CDCR nếu như có bất lỳ sự thay đổi nào so với thỏa thuận ban đầu. Ý tốt nhưng làm không đúng chỗ thì sẽ thành thảm họa. Tốt nhất là nên có mặt ở “hiện trường”.

  • Câu chuyện thứ ba:

CD là người Việt Nam, CR là người nước ngoài, cả hai sống ở Mỹ. Vì vậy, mọi việc chuẩn bị đám cưới ở Việt Nam đều do gia đình CD thực hiện. Khi tìm đến mình thì CDCR chỉ cần: chụp hình phóng sự, quay phim phóng sự, trang trí đám cưới, tổ chức chương trình lễ cưới. Và mình chỉ có đúng môt tuần để chuẩn bị cho việc trang trí đám cưới vì tận lúc đó mới gặp được CDCR để chốt các vấn cuối cùng (trước đó chỉ làm việc qua một gia đình của CD và được chat 1-2 lần do CD quá bận rộn). Mọi việc đều diễn ra tốt đẹp: chương trình cưới vui, ấm cúng, trang trí đẹp, lạ. Cho đến 1 ngày nọ sau đám cưới, mình nhận được điện thoại lúc 12h đêm gọi từ Mỹ để góp ý về chất lượng hình ảnh. Liên tục từ đó đến những ngày sau, mình bị CD phàn nàn suốt. Số là vầy, Photographer mình chọn cho khách là một anh có kinh nghiệm trong nghề, từng chụp rất nhiều hình cưới, hội nghị, chụp cho nhiều người nổi tiếng, tuyệt đối không phải là một Photographer tồi. Sau tối hôm đó, anh này đã gửi cho mình một số hình ảnh của đám cưới qua mail và mình cảm thấy khá hài lòng về chất lượng hình ảnh. Ngày giao hình, anh chép toàn bộ hình ảnh vào đĩa giao lại cho mình (kể cả những tấm bị out nét, nhắm mắt và những tấm trùng nhau do Photographer phải bấm máy liên tục để bảo đảm có shot ảnh ưng ý nhất cho một khoảnh khắc). Mình thì phải giao ngay cho bạn của CD ngay  khi vừa nhận được đĩa để chị ý gửi sang Mỹ cho CD, cũng không kịp xem lại đĩa và lọc hình nên mới có sự cố CD phàn nàn về chất lượng hình, số lượng hình rác nhiều L. Một lần nữa, sống trong buồn bã, tức tối mấy ngày liên một phần do nghe #$#% quá nhiều, một phần giận mình vì tội bất cẩn. Từ đó về sau tuyệt nhiên không dám giao hình cho CDCR mà chưa kiểm duyệt.

  • Bài học thứ 3:

Những thứ mình giao cho khách hàng phải là những thứ hoàn hảo nhất có thể. Tự nghiêm khắc với chính sản phẩm của mình và luôn nhớ: “Khi bạn làm đúng chẳng ai nhớ. Khi bạn làm sai chẳng ai quên”, “Bạn có thể làm 100 việc tốt nhưng chỉ cần 1 việc xấu bạn rất tệ.”

Trên đây là một số thứ mình rút ra từ những kinh nghiệm đau thương của bản thân. Thật không dễ dàng, tất cả đều được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, sự dằn vặt và tuky của bản thân nữa. Mỗi lần thất bại là một dấu roi nhắc cho mình nhớ phải làm việc bằng cả trái tim. Cũng có đôi lần mình thầm nghĩ: “Phải chi mình được làm lại…”.

Xem các tiệc khác tại đây