Duyên sao đó, mình có dịp được gặp kha khá những vị phụ huynh tuyệt vời, đủ để mình thấy thương quý họ song song với Cô dâu Chú rể của mình.
Với những cặp CDCR sống ở nước ngoài thì việc chuẩn bị đám cưới phần lớn đều do phụ huynh lo liệu. Mình may mắn có cơ hội làm việc với những khách hàng đặc biệt này và vỡ lẽ được nhiều điều lắm. Đừng tường người lớn tuổi thì “không biết gì về điện”, bạn lầm to! Các cô, các chú sử dụng internet chuẩn không cần chỉnh, cập nhật thông tin, xu hướng thời trang không thua gì đám trẻ trâu tụi mình và đặc biệt chịu chơi hết sẩy luôn. Ngoài mong muốn một đám cưới theo đúng lễ nghi truyền thống thì cũng phải có thêm những phần mới lạ cho đám cưới như trang trí theo chủ đề; mở màn phải ấn tượng; trang điềm, lễ phục của CDCR phải theo đúng mốt… Làm việc với CDCR mình kỹ 1 thì làm việc với phụ huynh mình phải kỹ bằng 5, bằng 10. Thông tin phải cập nhật liên tục, làm việc đúng với các trình tự công việc được đặt ra, nói A là A, B là B, mọi thứ phải rõ ràng, chuẩn xác, cân bằng giữa sở thích của các cô chú với sở thích của CDCR. Nói thật, khi làm việc với phụ huynh, mình sợ lắm. Nhưng sau một thời gian tiếp xúc, tháp tùng các cô đi mua sắm, sửa soạn, trình bày, nói chuyện với các chú về kế hoạch thì mình thấy thương, thấy quý, thấy kính trọng họ.
Có đồng hành cùng các cô, các chú thì bạn mới thấy cha mẹ yêu con đến thế nào. Có cô chú đi với mình đến từng tiệm áo cưới để chọn soirée cho con gái, vest cho con rể rồi tỉ mẩn chụp hình lại để “về nhà họp gia đình, chọn ra bộ nào đẹp nhất!”. Có cô chú chẳng ngại nắng gió theo chân đoàn chụp hình cưới để chắc chắn rằng CDCR trông xinh đẹp, địa điểm chụp hình đúng ý. Có cô chú đích thân cùng mình đi đến tận lò làm mâm quả để ăn thử bánh phu thê. Có cô chú nắm tay mình nói: “Trăm sự nhờ con!”, “Cảm ơn con nhiều nha!”. Có chú quyết tâm phải thực hiện cho bằng được ý tưởng quà tặng đám cưới của cô chú, cho dù chú phải tìm kiếm rất nhiều thông tin từ Internet, hỏi bạn bè nhiều nơi và cuối cùng là phải đặt hàng ở nước ngoài, quá cảnh qua mấy chỗ rồi kiện hàng mới về tới Việt Nam vì với chú “Đã nói được thì nhất định phải làm được. Mình không thực hiện được đúng ý tưởng của mình, tức lắm!”… Có người dễ tính, có người khó tính nhưng họ gặp nhau ở tình yêu thương vô bờ bến dành cho con cái của mình.
Mỗi gia đình là một nét văn hóa. Nhà cô Thủy vui tính, xởi lởi, gặp nhau hai lần là cô vỗ vai mình nói: “Chúng mày lo hết cho cô. Làm sao coi được thì làm!”. Nói rồi, cô cười haha. Nhà cô Dung, cô Tâm thì hiền ơi là hiền. Gia đình mình ấn tượng nhất là gia đình chú Hưng và cô Mai. Chú Hưng là một doanh nhân nên trao đổi công việc với chú rất dễ dàng, bài bản. Chú làm việc nghiêm túc và theo nguyên tắc riêng (đúng 23h là tắt máy điện thoại đi ngủ, không bao giờ trễ hẹn dù là một phút, cái gì đã hứa là phải làm…). Cô Mai là giáo viên tiểu học đã nghỉ hưu. Cô nói chuyện vừa khéo vừa ngọt như mía lùi. Cô chú phân chia công việc rất rõ ràng: chú lo phần địa điềm, tổ chức, quà tặng. Cô lo các phần về làm đẹp, mâm quả. Nghe cô chú thi thoảng: “Y, phần này của bả, con bàn với bả đi, không lát chú bị lộn đó”, “Rồi, phần này của tui, để tui” mà thấy thương ghê. Là gia đình gốc Hoa nên cô chú rất xem trọng lễ nghĩa, gia phong. Nhà chú mỗi năm đều phải chụp một tấm hình toàn gia đình để làm kỷ niệm dù là thời điểm đó có ai bị mụn, bị xấu, bị sao đó! Mỗi năm cô chú đều đi du lịch đây đó để tận hưởng cuộc sống cùng nhau. Cô chú dạy con cái phải tự lập và bản lĩnh. Còn nhiều điều nữa mà không thể diễn tả bằng câu chữ được. Chỉ tiếc mình không theo được trọn vẹn số đám cưới này đến cùng vì lý do cá nhân. Nhận được điện thoại, email của của các cô mà mình khóc ngon lành.
Lynh Thùy Wedding Planner